Chắp cánh để các sản phẩm OCOP Bắc Ninh vươn

Chia sẻ

“Chắp cánh” để các sản phẩm OCOP Bắc Ninh vươn xa

Chương trình OCOP đã làm thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu của người dân, tạo ra hướng đi mới trong sản xuất kinh doanh sản phẩm truyền thống có lợi thế ở nông thôn
Từ hiệu quả của chương trình, thời gian qua, các cấp chính quyền trong tỉnh đã và đang tập trung triển khai thêm nhiều giải pháp tích cực nhằm khuyến khích, hỗ trợ cho người dân tham gia, phát triển sản phẩm OCOP. Đặc biệt là khâu hỗ trợ quảng bá, nâng tầm thương hiệu cho các sản phẩm OCOP.

Kinh tế - 'Chắp cánh' để các sản phẩm OCOP Bắc Ninh vươn xa
Công ty cổ phần PTK VietNam tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm tại Chương trình cấp Quốc gia về xúc tiến thương mại năm 2022

Hiện nay, toàn tỉnh đã có 146 sản phẩm của 60 chủ thể đăng ký tham gia Chương trình OCOP, đã công nhận được 75 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên. Sản phẩm đạt 3 sao chiếm tỷ lệ 30,7%; sản phẩm đạt 4 sao chiếm 69,3%. Các sản phẩm sau khi được công nhận đều mở rộng thị trường, phát triển hệ thống mạng lưới tiêu thụ, nâng cao giá trị gia tăng và thu nhập của các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh.

Để giúp các chủ thể quảng bá giới thiệu, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm OCOP, những năm qua, Bắc Ninh đã chú trọng công tác xúc tiến thương mại. Riêng năm 2019, địa phương đã tổ chức cho các chủ thể tham gia triển lãm thành tựu 10 năm chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới vùng đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ, tham gia sự kiện Festival Chương trình OCOP toàn quốc tại Hội nghị Tổng kết 10 năm xây dựng nông thôn mới toàn quốc. Năm 2020, tham gia Hội chợ kết nối cung cầu vùng đồng bằng sông Hồng, Hội chợ làng nghề và sản phẩm OCOP tổ chức tại Bắc Ninh,…

 

 

Các chương trình xúc tiến thương mại, hoạt động quảng bá sản phẩm OCOP, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP được tập trung vào các dịp lễ hội của tỉnh, của quốc gia; phối hợp xúc tiến các sản phẩm OCOP vào các trung tâm, siêu thị lớn trên địa bàn; tổ chức lựa chọn sản phẩm tiêu biểu tham gia hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh; Thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP thông qua việc sử dụng các sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến (online), bán hàng tương tác trực tiếp (livestream)…

Hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm đã tạo chỗ đứng vững chắc cho các sản phẩm OCOP của Bắc Ninh trên thị trường, qua đó, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nâng cao thu nhập cho người dân.

Là chủ thể đạt Chứng nhận OCOP 4 sao năm 2020, Công ty cổ phẩn PTK VietNam (Tiên Du) với sản phẩm chính là mắm tép chưng thịt PTK được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh; được vinh danh trong tốp 100 thương hiệu nổi tiếng ASEAN năm 2020. Hiện naymắm tép chưng thịt PTKđã dần khẳng định được chỗ đứng trên thị trường nhờ sản phẩm chất lượng, độc đáo.

Nhờ có “cú hích” từ OCOP, các sản phẩm của công ty có cơ hội quảng bá, giới thiệu ở nhiều thị trường lớn, yêu cầu khắt khe về chất lượng.Ngay sau khi đạt chứng nhận 4 sao từ OCOP cấp tỉnh, con đường mới đã mở ra với các sản phầm mang thương hiệu PTK của công ty, sản phẩm của Công ty có mặt ở gần 300 điểm kinh doanh trong hệ thống bán lẻ hiện đại tại Hà Nội và hệ thống siêu thị Dabaco và siêu thị Từ Sơn (Bắc Ninh)… với sản lượng cung ứng ra thị trường trung bình gần 300 kg mắm tép/ngày.

Vừa qua, công ty đã được Sở Công thương kết nối với Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử do Cục quản lý để mở rộng thị trường tiêu thụ ra nước ngoài.

Với những chính sách, cơ chế hỗ trợ quảng bá, xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm bằng hình thức online từ các cấp chính quyền trong tỉnh và các cơ quan trực thuộc Trung ương, công ty đang dần hoàn thiện hồ sơ OCOP để đạt được chứng nhận 5 sao từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

 

 

Bà Nguyễn Thị Huyên, CEO Công ty cổ phần PTK VietNam cho biết: “Để được gắn tiêu chuẩn OCOP 4 sao, công ty đã trải qua một chặng đường dài hoàn thiện từng sản phẩm.Sau khi được cấp chứng nhận OCOP, các sản phẩm của chúng tôi đã có cơ hội được mở rộng quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến đông đảo người tiêu dùng, nhất là trên các sàn thương mại điện tử, nhờ đó thị trường tiêu thụ phát triển, ổn định dù tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp”.

Thời gian tới, cùng với việc phát triển về quy mô, sản lượng, gia tăng chất lượng, công ty định hướng nghiên cứu đưa ra thị trường một số sản phẩm mới tiện lợi như ruốc, giò heo, giò trâu, thịt bò khô, thịt heo khô… phù hợp với nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng; tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên mạng xã hội như: Facebook, Zalo, Youtube

Nhằm tìm kiếm đầu ra cũng như lan tỏa các giá trị của những sản phẩm OCOP, trong giai đoạn 2021- 2025, Bắc Ninh tiếp tục tập trung phát triển các sản phẩm cộng đồng, sản phẩm chủ lực có lợi thế ở mỗi địa phương;Đẩy mạnh quảng bá và xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP, phấn đấu toàn tỉnh xây dựng và đưa vào hoạt động 19 điểm cửa hàng trưng bày, giới thiệu, cung ứng nông sản an toàn và sản phẩm OCOP tại các huyện, thị xã, thành phố; các Sở, ngành, địa phương tăng cường hoạt động thông tin, tuyên truyền và hỗ trợ các cửa hàng quảng bá, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, triển khai các chính sách hỗ trợ của tỉnh về đầu tư xây dựng và mua sắm trang thiết bị các điểm cửa hàng; chính sách hỗ trợ tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại, tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm cho người sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn, sản phẩm OCOP…

 

 

Tiếp tục thực hiện Chương trình mỗi xã, phường, thị trấn một sản phẩm, giai đoạn 2022 – 2025 Bắc Ninh dự kiến dành 55 tỷ đồng để hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, hộ sản xuất tham gia chương trình khi có đăng ký kinh doanh về mở rộng quy mô sản xuất, ứng dụng công nghệ trong sơ chế, chế biến, bảo quản sản phẩm, hoàn thiện mẫu mã, bao bì, an toàn thực phẩm, đăng ký thương hiệu trong đó dành 25 tỷ đồng để xây dựng Trung tâm giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề của tỉnh. Qua đó phấn đấu giai đoạn 2022 – 2025, Bắc Ninh công nhận được ít nhất 200 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, có từ 2 sản phẩm trở lên đạt 5 sao; Có 20% chủ thể OCOP trở lên là HTX và 30% chủ thể là các doanh nghiệp; Ít nhất có 40% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại (hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi; sàn giao dịch thương mại điện tử…

Ngoài ra, tỉnh tập trung đẩy mạnh hợp tác trong nước và quốc tế về triển khai chương trình OCOP để trao đổi kinh nghiệm và quảng bá, xuất khẩu các sản phẩm OCOP đến các tỉnh, thành trong nước và nước ngoài.Phối hợp tổ chức, tham gia các hội nghị, diễn đàn, hội chợ xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế quảng bá sản phẩm và huy động các nguồn lực thực hiện chương trình OCOP cho những sản phẩm mang sắc – hương – vị của Bắc Ninh tiếp tục vươn xa.

Tin tức khác